(PHẦN 6) PHONG CÁCH INDOCHINE RA ĐỜI – SỰ NHƯỢNG BỘ VĂN HÓA THUỘC ĐỊA
Contents
Sau công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ I của thực dân Pháp, kiến trúc Tân Cổ Điển đã du nhập mạnh mẽ và dần thay đổi bộ mặt các đô thị lớn tại nước ta. Song, qua những biến chuyển của tình hình thế giới, kiến trúc này không còn chiếm ưu thế, và một phong cách kiến trúc mới đã ra đời – mang tên gọi “phong cách Đông Dương – Indochine” .
Trải qua một thời kỳ dài Pháp thuộc lần thứ I, với những biến chuyển rõ rệt về bộ mặt đô thị, cơ sở hạ tầng. Kiến trúc thời bấy giờ thay đổi từ lối kiến trúc thuộc địa tiền kỳ, sau đó là sự thay thế của phong cách Tân Cổ Điển cầu kỳ, xa hoa. Và qua thời gian, một hình thái kiến trúc mới ra đời, mang trong mình sự kết hợp giữa phong cách châu Âu cổ điển với hơi thở Đông Dương quyến rũ – phong cách kiến trúc Đông Dương Indochine.
Trong chuyên mục “Lược sử kiến trúc Đông Dương” kỳ này, những “thước phim” cũ về những ngày đầu xuất hiện của kiến trúc Indochine tại Việt Nam sẽ rõ nét dần. Và cho chúng ta thấy được trọn vẹn bối cảnh ra đời, quá trình chuyển hóa và dần chiếm ưu thế của phong cách này qua thời gian. Cũng như tìm hiểu rõ hơn về những nét đặc sắc làm nên kiến trúc Đông Dương thời bấy giờ.
Bối cảnh ra đời phong cách Indochine:
1. Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ II – giai đoạn giao thời của văn hóa.
Khi chiến tranh thế giới thứ I kết thúc, Pháp tuy là phe thắng trận nhưng lại chịu thiệt hại vô cùng nặng nề, và là con nợ lớn của Mỹ. Để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh và tái thiết nền kinh tế quốc mẫu, thực dân Pháp đã bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ 2 ở Đông Dương và Châu Phi, kéo dài từ 1914 đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 – 1933.
Cảng Sài Gòn xưa
Chính bối cảnh đó đã khiến cho tốc độ và quy mô trong đợt khai thác thuộc địa lần này ồ ạt và rộng lớn hơn lần thứ I rất nhiều. Số vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ bản tăng nhanh theo từng năm. Nếu trong giai đoạn 1888 – 1918, Pháp đã đầu tư 1 tỷ Phơ – răng, thì từ 1924 – 1929 con số này đã tăng lên 4 tỷ Phơ răng. Từ 1931 trở đi, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nhưng Pháp vẫn tiếp tục đầu tư vốn vào Việt Nam.
Trường mẫu giáo ở Miền Nam, dạy cả trẻ em Pháp – Việt
Việc đầu tư và khai thác toàn diện các lĩnh vực kinh tế cũng kéo theo rất nhiều tri thức, nhà tư bản đủ mọi nghành nghề sang Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. Các tri thức Pháp này ngoài tâm lý luôn hoài niệm về quê hương, họ còn có cái nhìn sâu sắc hơn, tôn trọng hơn dành cho văn hóa, con người bản địa. Ngoài ra với chính sách “cải lương hương chính”, Pháp cố gắng loại bỏ tầng lớp cai trị cũ ở cấp làng xã, hương ấp, thay thế bằng tầng lớp tri thức mới, Tây học hơn.
Người dân đi tiêm vacxin Đậu Mùa ở Gò Vấp
2. Ernest Hébrard và hành trình khai sinh phong cách Indochine:
Ernest Hébrard (1875 – 1933) là một kiến trúc sư danh tiếng tại Paris, Pháp. Ông là học trò của hai kiến trúc sư rất nổi tiếng người Pháp là Ginain và De Risors. Và đã đạt được nhiều giải thưởng danh giá về kiến trúc khi còn theo học tại Trường Đại học Mỹ Thuật Paris (Ecole nationale et spéciale des Beaux Arts de Paris).
Ernest Hébrard và trợ lý người Việt
Danh tiếng của ông càng vang xa khi ông tham gia vào quá trình quy hoạch cải tạo thành phố Thessaloniki tại Hy Lạp sau khi trận đại hỏa hoạn vào năm 1917 làm phần lớn thành phố bị thiêu hủy. Hébrard còn được biết đến qua các dự án khác như là nâng cấp Casablanca và cung điện Diocletian tại Split, về sau là quy hoạch các thành phố thuộc địa của Pháp ở Đông Dương.
Thiết kế tái quy hoạch Cung điện Diocletian của Ernest Hébrard
Đến Đông Dương năm 1921, ông trở thành Kiến trúc sư trưởng của Chánh Sở Kiến trúc và Quy hoạch Đông Dương trong 10 năm. Suốt thời gian đó, Hébrard đã để lại nhiều dấu ấn với các sản phẩm kiến trúc tiêu biêu cho phong cách Á – Âu (hay còn gọi là phong cách Đông Dương -Indochine) như các công trình: Nhà Tài chính Đông Dương, Bảo tàng Louis Finot, Đại học Đông Dương, nhà thờ Cửa Bắc, trường Viễn Đông Bác Cổ, trường Petrus Ký, viện Pasteur…
Kiến trúc sư Ernest Hebrard và công trình tiêu biểu
Dù đã trải qua hàng trăm năm, nhưng các công trình do kiến trúc sư Ernest Hebrard thiết kế vẫn luôn được đánh giá là các công trình kiến trúc đẹp, hài hòa và trường tồn với thời gian. Các tác phẩm của ông sở hữu hệ mái ngói nhiều lớp từ kiến trúc phương Đông, nhưng được tích hợp một cách sáng tạo và nhuần nhiễn các vật liệu xây dựng và chi tiết kiến trúc của các nước bản địa (các nước Đông Dương) vào kiến trúc thuộc địa Pháp thời kỳ đó, tạo nên vẻ đẹp độc đáo góp phần tô điểm kiến trúc đô thị Đông Dương. Và cho đến ngày nay, Phong cách kiến trúc Đông Dương vẫn được rất nhiều nhà phê bình ca ngợi, đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ lẫn văn hóa – lịch sử.
Đại học Đông Dương với lối kiến trúc Indochine đặc trưng
Những nét đặc trưng làm nên linh hồn của phong cách kiến trúc Đông Dương – Indochine
1. Đừng nhầm lẫn Indochine với kiến trúc thời kỳ Phục Hưng
Chúng ta thường đánh đồng các kiến trúc Tân cổ điển, Gothic… của các công trình dinh thự, hội sở, tòa chánh sứ đời đầu tại Việt Nam với kiến trúc Đông Dương thời kỳ sau. Điều đó là dễ hiểu khi mà cả hai phong cách này đều mang âm hưởng kiến trúc Châu Âu cổ. Tuy nhiên, các kiến trúc đời đầu “nhập khẩu” từ Pháp sang thì sau một số năm bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập. Đặc biệt là vấn đề không phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, gió mạnh… cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Việt Nam.
Sở Ngoại giao do KTS Ernest Hébrard theo kiến trúc Đông Dương
Trong khi đó, kiến trúc Đông Dương thời kỳ sau ra đời vào những năm 30 – 40 của thế kỷ 20, khi mà ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam giảm sút. Để tranh thủ được lòng dân, thân thiện hơn với Việt Nam, các kiến trúc sư Pháp, mà dẫn đầu là Ernest Hébrard đã nghĩ cách thiết kế những công trình mang tính chất Việt Nam hơn để lấy lại lòng tin của dân Việt. Chính sự giao thoa giữa nét Âu cổ kinh với văn hóa Á đậm bản sắc đã tạo nên sự khác biệt của kiến trúc Đông Dương – Indochine
Biệt thự cụ Hiên ở Hà Nội với lối kiến trúc Đông Dương
Bên cạnh sự nhầm lẫn giữa kiến trúc thời Phục Hưng với Indochine ở Việt Nam, thì nhiều người cũng thường đánh đồng lối kiến trúc Hoa Việt ở khu phố cổ Hội An, Chợ Lớn tại Sài Gòn, Cù lao phố… với kiến trúc Đông Dương – Indochine style. Vì thế, ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ đi sâu vào khảo cứu và tìm hiểu những nét đặc trưng tạo nên phong cách Đông Dương.
2. Đặc điểm kiến trúc Đông Dương – Indochine style:
Mặc dù mang nhiều đặc điểm pha trộn, chiết trung với kiến trúc phương Tây, nhưng Indochine vẫn mang những điểm khác biệt cơ bản tạo nên giá trị văn hóa kiến trúc không thể nhầm lẫn của phong cách này, góp phần tôn vinh nghệ thuật kiến trúc dân tộc.
Giải pháp và tính ưu việt trong kiến trúc:
Phần lớn các kiến trúc Indochine đều được bố trí các dãy hành lang, dàn pergola rộng rãi chạy dọc theo công trình để cách nhiệt và tạo hành lang thông thoáng nhằm giảm thiểu tác động của khí hậu nóng miền nhiệt đới. Các lam gió đặc trưng của Á Đông cũng được sử dụng để tạo sự thông thoáng và lấy sáng cho không gian bên trong. Một nét đặc biệt nữa là các công trình phần lớn đều được thiết kế thêm sân trong hoặc giếng trời, mang ánh sáng tự nhiên vào không gian.
Kiến trúc Sài Gòn với đặc trưng là hàng lang thông thoáng
Kỹ thuật và vật liệu mới:
Các công trình mang phong cách Indochine thường được xây dựng với hệ khung bê tông cốt thép chịu lực tốt. Cùng với đó là sự xuất hiện của các phương tiện kỹ thuật mới được tích hợp như cột thu lôi, đèn điện, cổng sắt uốn… Trong khi đó, các vật liệu đậm chất phương đông như sành sứ nhiều màu, gạch thẻ, gạch caro, ngói ardoise (đá xám chẻ)… được kết hợp mang lại nét giao thoa độc đáo cho phong cách này.
Viện khoa học Đông Dương
Nét độc đáo của mái nhà:
Phần mái của các công trình kiến trúc Đông Dương cũng thể hiện nhiều điểm độc đáo. Các công trình lớn thường sử dụng mái bằng, trong khi các kiến trúc nhỏ hơn thì thường được lợp mái ngói cổ kính. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của các kiến trúc mái ngói là có thêm các “khu đĩ” để tạo sự thông thoáng không gian bên trong. Một số công trình sử dụng dạng mái vút cong ở các góc, mái chồng diêm theo kiểu kiến trúc truyền thống của văn hóa Việt Nam, có hoa văn trang trí ở đỉnh mái và các góc cong của mái. Bên cạnh đó, phần mái cũng bắt đầu tận dụng hệ thống sê nô chạy dọc phía dưới chân mái để thu nước mưa.
Trường trung học Albert Sarraus với mái ngói đặc trưng
Cửa trở thành đặc trưng của phong cách:
Một trong những đặc trưng mà khi nhìn vào, ta có thể đoán ra ngay kiến trúc Indochine, đó chính là hàng loạt cửa sổ được bố trí liền kề vào bao quanh công trình. Loại cửa lá sách thường được sử dụng phổ biến, nhằm đảm bảo được sự thông gió tự nhiên cho không gian bên trong ngay cả trong lúc đóng. Và đây là loại cửa mà chắc hẳn thể hệ 9x trở về trước đã rất quen thuộc và gắn bó với tuổi thơ của mình. Cửa sổ không chỉ được bố trí trên tường công trình, mà còn được bố trí phía ngoài hành lang, đặc biệt là hành lang ở những phía chịu sáng trực tiếp của mặt trời.
Hành lang trường Petrus Ký – Lê Hồng Phong ngày nay
Các họa tiết trang trí:
Yếu tố mang âm hưởng văn hóa Việt Nam trong kiến trúc Đông Dương đó chính là các mô típ trang trí được áp dụng, có thể kể đến như “lưỡng long chầu nguyệt”, pháp vân, lân sư, rồng phụng, cỏ cây hoa lá… của giai đoạn phong kiến xưa. Một vài họa tiết kiểu Khmer – Chăm như: rắn naga, hoa Mạn đà la, chữ viết… Kết hợp với lối trang trí kiểu Phục Hưng châu Âu như lan can con tiện, gờ chỉ, tranh tượng, phù điêu, hoa lá, các thức cột…Có lúc còn pha trộn cả những phong cách thời thượng của thế giới lúc bấy giờ như Art Nouveau, Art Déco.
Viện Viễn Đông Bác Cổ – tuyệt tác kiến trúc Đông Dương
Những nét mới mẻ và chiết trung đó đã tạo nên một phong cách Indochine hòa trộn giữa nét lãng man của trời Âu, với đặc trưng văn hóa dân tộc Việt. Một nét kiến trúc độc đáo mà qua thời gian, người ta vẫn còn trầm trồ và ngợi ca.
TẠM KẾT:
Cùng với sự thất thế dần của phong cách kiến trúc phương Tây, sự nhượng bộ đối với kiến trúc văn hóa bản địa đã khai sinh ra một phong cách thiết kế hài hòa, thẩm mỹ và phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng Đông Dương. Dáng dấp của công trình vẫn mang nét rắn rỏi, vững chãi của Phương Tây nhưng kết hợp thêm yếu tố trang trí mềm mại, thích dụng của Phương Đông.
Trải qua diễn trình lịch sử đầy biến động, Đông Dương bây giờ đã không còn nữa, do đó những gì từng thuộc về Đông Dương xưa cũ kiến trúc – văn hóa – con người đều vô cùng quý giá và đáng trân trọng!