Trở lại với “những thước phim” nhuốm màu lịch sử của Lược sử kiến trúc Đông Dương, chúng ta sẽ vượt hơn 1000km, từ thủ phủ thuộc địa Nam Kỳ – Sài Gòn – ra khu vực phía Bắc, để cùng lật lại những dấu mốc không thể bỏ qua trong quá trình hình thành kiến trúc Đông Dương giai đoạn nhường địa tại nước ta.
Cũng giống với Nam Kỳ, các kiến trúc tại khu vực nhượng địa mang hơi hướng đơn giản nhưng đề cao chủ nghĩa công năng duy lý, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệu quả và tiện nghi mà kiến trúc đem lại, đặc biệt là sự hài hòa và phù hợp với bối cảnh Việt Nam thời bấy giờ. Cho đến ngày nay, những kiến trúc này vẫn còn bền vững cả về công trình vật lý lẫn vẻ đẹp phong cách.
I. Khu nhượng địa Đồn Thủy
1. Lật lại lịch sử hình thành
“Nhượng địa” hay trong tiếng Pháp gọi là la concession – là một thuật ngữ xuất hiện lần đầu trong thời Pháp thuộc, chỉ khu đất trên bờ sông Hồng ở phía đông-đông nam Thành phố Hà Nội, nơi mà triều đình Huế phải nhượng cho Pháp để xây dựng Tòa Công sứ và doanh trại theo Hiệp ước Giáp Tuất năm 1874.
Khu vực nhượng địa có diện tích 5 mẫu (tương đương 2.5ha), trước đây là Đồn Thủy do vua Minh Mạng xây dựng nhằm kiểm soát tàu thuyền ra vào Hà Nội. Dưới sức ép của quân Pháp, năm 1875, nhà Nguyễn phải cắt thêm 15.5ha để nhượng cho người Pháp, khu vực nhượng địa tăng lên 18ha, vượt quá cả toàn bộ khu Đồn Thủy cũ.
Khu nhượng địa năm 1877. Từ trái sang phải: Doanh trại – Nơi ở của đại úy công binh, Bộ Tư lệnh tối cao, các sĩ quan – Lãnh sự quán – Sở Tư pháp (sưu tập ảnh của Trường Viễn Đông Bác cổ)
2. Quá trình xây dựng
Khu nhượng địa sau khi vào tay Pháp được gấp rút xây dựng trong vòng 1 năm. Với các công trình kiến trúc đề cao chủ nghĩa công năng như dinh lãnh sự, khu nhà dành cho sĩ quan, trại lính, khu vực làm việc, kho lương thực, kho vũ khí,…
Cảnh quan khuôn viên khu nhượng địa cũng được chăm chút với cây cối, vườn tược, hàng hiên bao quanh. Người Pháp còn đặc biệt mang giống cây phượng vĩ từ quần đảo Antilles (châu Mỹ) xa xôi về trồng và làm đẹp cho khu vực.
Đường sa trong khu nhượng địa Đồn Thủy
3. Những công trình nổi bật – bước đầu thay đổi Hà Nội xưa
Đến năm 1888, sau nhiều năm tạo sức ép và thực hiện các chính sách khôn ngoan, giảo quyệt, Pháp đã thành công biến Thành Hà Nội thành khu nhượng địa với quy mô rộng lớn, xây dựng trung tâm chính trị và căn cứ quân sự tại đây, từng bước thay đổi một phần bộ mặt Hà Nội bấy giờ, và cũng là dấu mốc quan trọng cho sự hình thành kiến trúc Đông Dương tại khu vực này.
Bệnh viện Lanessan, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108
Dinh toàn quyền Đông Dương ở Hà Nội trước khi có dinh mới từ năm 1906
Dãy nhà theo lối kiến trúc Pháp thuộc trong khu nhượng địa
Đại học Đông Dương và khu nhượng địa ven sông Hồng
II. Những công trình lịch sử bị tàn phá
Trong giai đoạn này, thực dân Pháp đã thực hiện các cuộc tấn công thành Hà Nội, tàn phá nhiều công trình lịch sử mang dấu ấn thành Thăng Long trước đây. Đáng chú ý và xót xa nhất là vào năm 1881, Pháp cho phá hủy Báo Thiên Quốc Tự (được xây dựng năm 1054 dưới thời vua Lý Thánh Tông), một quốc bảo linh thiêng và tuyệt đẹp của dân tộc ta, để xây dựng Nhà thờ lớn Hà Nội.
Báo Thiên Quốc Tự trước khi bị phá hủy
Nhà thờ lớn được Pháp xây dựng sau khi phá hủy Báo Thiên Quốc Tự
Không dừng lại ở đó, năm 1886, Pháp còn phá hủy Điện Kính Thiên để xây dựng ban chỉ huy pháo binh, san phẳng núi Khán Sơn (một trong “tứ linh sơn” của thành Thăng Long) để làm Vườn hoa Pugininer và nhiều công trình khác.
Hính Pháp đứng ở bậc thềm điện Kính Thiên
Vườn hoa Puginier xưa – nay là Quảng trường Ba Đình, phía xa là phủ chủ tịch
Đến giai đoạn sau khi hoàn tất chiếm thành Hà Nội, với ý tưởng “biến Hà Nội thành một Paris thu nhỏ” chúng càng thẳng tay san phẳng Hà Nội, hàng nghìn công trình mọc lên là hàng nghìn nỗi đau của dân ta thời đó. Một ký ức đau thương, những giá trị văn hóa nghệ thuật mất đi, không gì có thể bù đắp được.
III. Không gian – kiến trúc cảnh quan Hà Nội sau giai đoạn nhượng địa
Từ năm 1889-1907, Hà Nội thành công rực rỡ trong xây dựng đô thị. Theo báo cáo của Tòa đốc lý, toàn thành phố đã có 669 ngôi nhà xây dựng theo kiểu Âu, có thêm 85 km đường mới mở…