Vào những năm 1897 đến 1914, thực dân Pháp bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Và đây cũng là giai thoại quan trọng, đánh dấu cho sự du nhập kiến trúc Tân Cổ Điển vào nước ta. Đặt dấu chấm hết cho lối kiến trúc thuộc địa tiền kì, và là tiền đề cho sự phát triển của hình thái kiến trúc mới tại Đông Dương.
Quay trở lại với series theo dòng lịch sử về kiến trúc Đông Dương tại Việt Nam, chúng ta sẽ đi đến với những thay đổi nhanh chóng của bộ mặt các đô thị lớn tại nước ta trong giai đoạn khai thác thuộc địa lần thứ I của Thực dân Pháp. Một giai đoạn đánh dấu sự du nhập của kiến trúc kiến trúc Tân cổ điển tại nước ta.
I. Châu Âu thu nhỏ ở Đông Dương
1. Chính sách khai thác thuộc địa và tiền đề thay đổi bộ mặt đô thị tại nước ta.
Sau khi bắt tay vào công cuộc cai trị, Pháp bắt đầu thành lập Liên bang Đông Dương, đứng đầu là viên toàn quyền người Pháp và tổ chức bộ máy nhà nước từ trên xuống do Pháp chi phối. Thời điểm đó, nước ta bị chia làm 3 xứ với 3 chế độ cai trị khác nhau, đó là Nam Kì (thuộc địa), Trung Kì (bảo hộ) và Bắc Kì (nửa bảo hộ).
Cùng với chính sách cai trị hà khắc, bóc lột tài nguyên thậm tệ, thực dân Pháp cũng tăng cường quá trình đô thị hóa ở các vùng trọng yếu, kiến trúc xây dựng đô thị kiểu Châu Âu được du nhập và nở rộ ở các đô thị lớn trong thời gian này: Hà Nội, Sài Gòn, Gia Định, Hải Phòng, Nam Định, Vinh…
2. Những thay đổi về cơ sở hạ tầng
Dỡ bỏ chính sách hạn chế chi tiêu
Trước những tác động của công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, bộ mặt các đô thị tại Việt Nam dần thay đổi về nhiều mặt. Từ cấu trúc kinh tế – xã hội, đến cơ sở vật chất – hạ tầng đã có những biến đổi sâu sắc và toàn diện. Pháp cho phép người dân xây dựng nhà cao tầng và tự do trang trí theo mong muốn thông qua việc xóa bỏ nhiều đạo luật hạn chế chi tiêu mang tính bắt buộc do triều Nguyễn ban hành trước đây. Đồng thời, người Pháp cũng cho xây dựng nhiều dinh thự, cơ sở hành chính mang đậm phóng cách châu Âu.
Hình ảnh toàn cảnh Hà Nội những năm 1900-1910
Quy hoạch cơ sở hạ tầng
Các tòa thành, khu dân cư, hệ thống công trình công cộng cũ đã bị người Pháp phá dỡ từng phần. Đường phố được rải nhựa, làm vỉa hè và lối đi cho người đi bộ, đèn đường cũng được dựng lên và thắp sáng suốt đêm. Các dãy phố phong cách Châu Âu thời điểm này có cấu trúc tổng thể dựa trên những nguyên tắc tổ chức các thương điếm Châu Âu. Với lối bố cục truyền thống theo trục đối xứng và đường phố theo dạng hình học…
Bên cạnh đó, để tạo cơ sở vật chất cho việc hình thành và phát triển các nhà máy khai thác, công nghiệp, người Pháp cũng cho xây dựng nhiều kho tàng, bến bãi, nhà ga xe lửa…
Sài Gòn xưa như một đô thị hiện đại giữa lòng Đông Dương
3. Thương nghiệp phát triển cùng sự phân hóa giai cấp
Các tầng lớp dân cư trong đô thị cũng dần phân cấp đa dạng và rõ rệt, số lượng dân cư cũng tăng trưởng nhanh chóng. Các thành phần tư sản, tiểu tư sản, học sinh, trí thức tự do, quan chức thực dân và bản xứ, công nhân… Cùng một số không nhỏ nông dân ven thị bắt đầu phân hóa và thực hiện các chức năng cụ thể trong xã hội cận đại tại Việt Nam ta lúc bấy giờ. Một sự biến chuyển cần thiết cho sự phát triển đô thị lớn, bước qua giai đoạn phong kiến lạc hậu. Và cũng cần thiết cho việc khai hóa và khai thác thuộc địa của thực dân Pháp.
Các tầng lớp xã hội ở Sài Gòn thời thuộc địa
Trong thời gian này cũng chứng kiến sự phát triển nở rộ mạnh mẽ của thương nghiệp, hàng loạt chợ được hình thành từ thành thị lớn đến các nông thôn nhỏ.
Chợ Thủ Đức giai đoạn 1910-1920
Chợ Gò Vấp xưa
Từ việc nhu nhập văn hóa phương Tây, đến những biến đổi về kinh tế – xã hội – đời sống, và sự phát triển của cơ sở hạng tầng, đô thị hóa… đã dẫn đến những biến chuyển rõ rệt của kiến trúc đô thị lúc bấy giờ. Một dấu mốc đặc sắc trong lược sử kiến trúc Đông Dương tại nước ta.
II. Kiến trúc Tân cổ điển du nhập vào nước ta
1. Kiến trúc Tân cổ điển và cội nguồi phát triển
Cái nôi ra đời
Kiến trúc Tân cổ điển là một phong cách kiến trúc được ra đời bởi phong trào Tân cổ điển bắt đầu vào giữa thế kỷ 18 ở Ý và Pháp. Nó trở thành một trong những phong cách kiến trúc nổi bật nhất ở thế giới phương Tây. Tân cổ điển là phong trào kiến trúc hồi tưởng và làm sống lại kiến trúc cổ điển của La Mã, Hy Lạp, Phục Hưng, Baroque. Nó gắn liền với thời kỳ Khai sáng – thời kỳ bao gồm một loạt các ý tưởng tập trung vào giá trị của hạnh phúc con người, và chủ nghĩa duy lý.
Kiến trúc Tân cổ điển tại Pháp
Tân cổ điển thống trị kiến trúc ở Pháp trong khoảng từ năm 1760 đến năm 1830, bắt đầu vào cuối triều đại của Louis XV , trở nên thống trị dưới thời Louis XVI , và kéo dài cho đến năm 1830, khi nó dần dần bị thay thế làm phong cách thống trị bởi chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa chiết trung.
Một số công trình tiêu biểu của phong cách Tân cổ điển tại Pháp có thể kể đến như: Khải Hoàn Môn của Jean Chalgrin (1808-1838); lâu đài Chateau de Bagatelle của François-Joseph Bélanger (1777); Khách sạn de Salm , Paris, của Pierre Rousseau (1751-1810); Điện Pantheon (1764-1790) của Jacques-Germain Soufflot…
Khải Hoàn Môn ở Paris – kiến trúc tiêu biểu của phong tào Tân cổ điển tại Pháp
Những đặc trưng chính
Đặc trưng của lối kiến trúc này là hệ thức cột Hy Lạp độc đáo ((Doric, Ionic, Corinth). Vẫn mang hơi thở của kiến trúc cổ điển, nhưng Tân cổ điển chú trọng vào sự tiết chế. Các kiến trúc sư đã hạn chế sự cầu kỳ và rườm rà, lấy những bức tường, hàng cột làm trọng tâm và làm nổi bật bản chất chi tiết của bộ phận đó. Các hoa văn điêu khắc được tinh giảm, ánh sáng được tăng lên, chiều và góc nhìn được mở rộng. Hình khối kiến trúc cân đối và được biến tấu đa dạng hơn về không gian để phù hợp với từng chức năng sử dụng.
2. Quá trình du nhập
Được các kiến trúc sư người Pháp “phù phép”, nhiều công trình tiêu biểu trong giai đoạn này bắt đầu hình thành. Có thể kể đến như Phủ Toàn quyền Đông Dương, Toà Đốc lý Hà Nội, Toà án Hà Nội, trụ sở Công ty đường sắt Vân Nam, ga xe lửa Hà Nội, Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ. Hầu hết các công trình này đều mang lối kiến trúc cổ điển, tạo sự trang nghiêm đồ sộ, biểu hiện sự vững vàng của chính quyền bảo hộ và ý định ở lại Việt Nam lâu dài của người Pháp.
Nhà Hát Hải Phòng 1920
Dinh thống đốc Nam Kỳ
Nhà Hát Hà Nội 1909
Về đặc điểm kiến trúc
Kiến trúc thời bấy giờ thể hiện rõ kiến thức vững chắc về kiến trúc cổ điển Hy Lạp – La Mã và kiến trúc Châu Âu của các kiến trúc sư người Pháp. Các trục đối xứng nghiêm ngặt, nhịp điệu lặp đi lặp lại của những hàng cột, hệ cấu trúc “dầm, cột” và “thức” theo phong cách cổ điển Hy Lạp đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Và đưa những tinh hoa của thời đại này du nhập và nước ta.
Bảo tàng Hà Nội 1900
Người Pháp đã nỗ lực đưa phong cách Tân Cổ điển một cách tự nhiên hoà nhập cùng một số xu hướng kiến trúc khác vào các công trình xây dựng mà không rơi vào phong cách phục cổ. Các công trình thời này phần nhiều là các loại công thự, dinh thự, công sở hoặc nửa dinh thự nửa công sở. Một số dạng công trình kiến trúc kiểu “chính thống” lợp mái bằng đá ardoise, có tầng hầm và tầng mái. Bố cục đối xứng được khai thác thể hiện tính bề thế và hoành tráng qua các mặt chính có hình khối kiến trúc nặng nề ở các tầng dưới tập trung vào việc trang trí các chi tiết.
Sở Công Chính Hà Nội
Sự biến đổi kiến trúc
Biến đổi lớn nhất ở kiến trúc của thời kỳ chính là thoát khỏi chủ nghĩa công năng đơn giản của kiến trúc thuộc địa tiền kỳ. Thay vào đó, phong cách kiến trúc tập trung vào sự tính thẩm mỹ và bề thế của công trình. Mang dấu ấn đặc sắc mà về sau, nó trở thành lối kiến trúc trường tồn theo thời gian; và được gọi với cái tên mang đậm tính thời đại – phong cách kiến trúc Thuộc địa Pháp.
3. Dinh Norodom – công trình tiêu biểu của kiến trúc Tân Cổ Điển
Được xem là thủ phủ Đông Dương, Sài Gòn không chỉ là trung tâm hành chính – đô thì lớn được thực dân Pháp đầu tư, mà còn được xem là cái nôi của lối kiến trúc du nhập từ châu Âu lúc bấy giờ. Và một trong những công trình được xem là nổi bật và tiêu biểu nhất của kiến trúc Tân Cổ Điển tại nước ta, đó chỉnh là Dinh Norodom – Dinh toàn quyền Đông Dương.
Chúng ta hãy cùng nhìn lại lối kiến trúc và nội thất đặc sắc của Dinh Norodom ngày xưa qua những bước ảnh nhuốm màu thời gian dưới đây:
Khuôn viên bên ngoài Dinh
Lối kiến trúc đặc sắc của Dinh Norodom
Bên trong Dinh Norodom:
III. Tạm kết
Thời kỳ kiến trúc tân cổ điển nở rộ cùng với chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất đã góp phần vào thay đổi bộ mặt của cảnh quan đô thị Việt Nam, để lại nhiều công trình xa hoa, đồ sộ còn tồn tại cho đến ngày nay, những di sản gắn liền với giai đoạn đau thương và đáng trân quý của dân tộc.
Tuy nhiên, có lẽ thành kiến đối với văn hóa bản địa hay thâm ý “khai hóa” là nguyên nhân chính dẫn đến hình thức lạc lõng, khoe mẽ sự xa hoa tốn kém của chúng trong hoàn cảnh tự nhiên, nếp sống và văn hóa con người ở nước thuộc địa.
Cuối giai đoạn này, một hình thái kiến trúc mới bắt đầu xuất hiện và dần thay thế các lối kiến trúc cũ – Kiến trúc Đông Dương (hay còn gọi là kiến trúc Indochine)…
Một bài viết có nội dung chuyên sâu và nhiều giá trị, cảm ơn Fedic