Pháp thuộc có lẽ là giai đoạn lịch sử đau thương nhưng cũng đầy kiên cường của dân tộc ta. Kể từ sau khi chiếm được thành Gia Định và ký Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Pháp đã bắt tay vào công cuộc khai hóa và khai thác ở nước ta, mà trước hết là các tỉnh Nam Kỳ. Tuy khai hóa và khai thác là hai khái niệm riêng biệt, nhưng chúng mang một ý nghĩa chung, làm rõ bản chất và ý đồ của thực dân Pháp đối với Nam Kỳ – chúng muốn khai hóa văn minh xã hội thời bấy giờ, để phục vụ cho công cuộc khai thác nô lệ và kinh tế.
Sau giai thoại về một Sài Gòn – Gia Định với sự hình thành của kiến trúc Đông Dương ở phần trước, bài viết này, Fedic muốn đưa bạn nhìn lại những năm tháng đô hộ theo một khía cạnh văn minh hơn, bớt đau thương hơn, về những công trình và quá trình quy hoạch của các tỉnh Nam Kỳ lúc bấy giờ. Cũng như những gì còn được bảo tồn đến ngày nay – những gợi nhắc về ký ức anh hùng của đất nước, và cũng là nền móng của kiến trúc Đông Dương tại nước ta.
I. Sài Gòn – Thủ phủ Nam Kỳ của Pháp và quá trình khai hóa
1. Quy hoạch đô thị tại Sài Gòn
Với tham vọng biến Sài Gòn thành thủ phủ của Nam Kỳ, thành trung tâm thuộc địa khai thác kinh tế, người Pháp đã cho quy hoạch cơ sở hạ tầng, đường sá, xây dựng nhiều công trình trọng yếu cũng như công trình dân dụng phục vụ cho công cuộc khai hóa thuộc địa.
Quy hoạch Sài Gòn năm 1865 so với bản đồ hiện nay
Thời điểm trước khi bị Pháp chiếm đóng, giới phú hộ Sài Gòn thời bấy giờ sinh sống tại khu đất cao phía Bắc (khu vực từ thành Gia Định đến Mã Ngụy hay còn gọi là Ngã Sáu bây giờ). Trong khi đó dân nghèo thì chen chúc rải rác ở các vùng đất thấp dọc các mé kênh, rạch. Khi người Pháp tới đã cho quy hoạch lại các vùng đất thấp, san lấp các vùng đầm lầy và vùng trũng, thay đổi hoàn toàn địa thế Sài Gòn. Các đại lộ thẳng tắp như Charner (đường Nguyễn Huệ), Bonard (đường Lê Lợi) , Boulevard de la Somme (Hàm Nghi) cũng dần mọc lên, thay đổi dần bộ mặt thành phố lúc bấy giờ.
Đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ ngày nay)
Người Pháp còn cho thiết lập khu vực cư trú và cai trị riêng cho mình với các dinh thự, nhà cửa lên đến hàng trăm căn tại Cité blanche (Thành phố Trắng) – khu vực quanh đường Catinat và khách sạn Continental.
Con đường Catinat (Đồng Khởi) năm 1920
Khách sạn Continental trong khu vực Cité blanche (Thành phố Trắng)
2. Sự du nhập của kiến trúc Tây Âu
Không chỉ quy hoạch lại đường sá, đất đai, Pháp còn biến đổi Sài Gòn thành một thành phố mang âm hưởng Phương Tây qua sự mọc lên của hàng loạt các kiến trúc châu Âu. Việc xây dựng các kiến trúc theo kiểu Tây Âu, đòi hỏi Pháp phải đưa các kỹ thuật xây dựng tân tiến, các vật liệu mới, nội thất mới và cả kiến trúc sư, nhà thầu, nhà thiết kế… từ Pháp sang nước ta để thực hiện. Đây chính là khởi đầu cho sự du nhập của văn hóa và nghệ thuật Phương Tây vào nước ta.
Công trình kiến trúc mới bắt đầu mọc lên làm thay đổi bộ mặt Sài Gòn, biến thành phố thành một viên ngọc sáng được Pháp mài dũa. Dưới đây là một số công trình tiêu điểm, và một số trong đó vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay:
Dinh Norodom xây năm 1837 với mái mansard theo kiểu tân baroque
Dinh xã Tây thiết kế theo phong cách Đệ tam Cộng Hòa Pháp
Nhà thờ Đức Bà được xây năm 1880 với vật liệu được nhập chủ yếu từ Pháp
Nhà hát Sài Gòn – nhà hát đầu tiên tại nước ta
Nhà thờ Tân Định với kiến trúc kiểu Romanesque
Nhà thờ Tân Định – nhà thờ “đẹp nhất thành phố”
3. Cơ sở hạ tầng được cải thiện
Ngoài việc xây dựng các công trình kiến trúc đồ sộ, đường phố Sài Gòn cũng được cải thiện rõ rệt để phù hợp với sự phát triển và chuyển mình của thành phố. Cây xanh được trồng dọc theo các con đường, chủ yếu là cây me, cây sao, cây phượng – những loại cây cổ thụ thân gỗ lớn, mà cho đến nay một số khu vực cây vẫn còn xanh tốt và phát triển, tạo vẻ đẹp tự nhiên và bóng mát cho con đường.
Cây xanh được trồng tại nhiều tuyến phố ở Sài Gòn xưa
Đặc biệt, các con đường còn được xây vỉa hè, tạo lối đi cho người đi bộ cũng như làm tăng vẻ đẹp của đường phố.
Vỉa hè được xây cao và lát gạch cho người đi bộ
II. Quá trình đô thị hóa các tỉnh miền Tây
Song song với quá trình thay đổi bộ mặt Sài Gòn, Pháp còn tiến hành đô thị hóa và “gọt giũa” bộ máy chính quyền tại các tỉnh miền Tây. Tạo nên một khu vực thuộc địa được kiểm soát và khai hóa toàn diện.
1. Công trình trọng điểm của bộ máy hành chính
Cũng giống như Sài Gòn, người Pháp tiến hành quy hoạch đường sá và cho xây dựng nhiều dinh thự tại các tỉnh Nam Kỳ. Đa số các dinh thự này đều có lối kiến trúc và vật liệu xây dựng tương tự nhau, mang đậm màu sắc Tây Âu nhưng vẫn có sự giao thoa đặc trưng văn hóa nước ta, phù hợp với khí hậu và địa thế Việt Nam.
Dinh tham biện tại Gò Công
Nhà thương Sa Đéc cũng có kiến trúc độc đáo
2. Xây dựng hạ tầng giao thông
Không chỉ đường phố được mở rộng và đổi mới, Pháp còn quy hoạch các tuyến giao thông huyết mạch giữa các tỉnh Nam Kỳ, cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy. Hệ thống kênh rạch được phát triển cho phép thuyền bè ra vào các cảng giao thương dễ dàng. Nhờ đó mà công nghiệp sửa chữa và đóng tàu cũng phát triển, mở đầu là sự ra đời của công xưởng Ba Son.
Công xưởng đóng tàu Ba Son
Thương Cảng Sài Gòn thời bấy giờ cũng rất sầm uất với tàu bè qua lại giữa các tỉnh rất đông đúc. Chính vì thế mà hải đăng Cap St-Jacques (hải đăng đầu tiên) được hình thành để giúp thuyền bè qua lại dễ dàng hơn.
Thương cảng Sài Gòn bắt đầu hoạt động từ 1860
Người Pháp còn nỗ lực xây dựng các tuyến đường quốc lộ xuyên tỉnh, với các cầu bắc qua sông được làm bằng bê tông, thép kiên cố. Đặc biệt là hệ thống đường sắt quy mô nối liền Sài Gòn và Mỹ Tho dài 70km được xây dựng trong 4 năm từ 1881 – 1885.
Đường sá Mỹ Tho đẹp và hiện đại với cây xanh và vỉa hè
Ga xe lửa Sài Gòn
Xe lửa Sài Gòn đi Mỹ Tho
Lộ trình tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho năm 1885
3. Hệ thống kênh đào miền Nam – Những nỗ lực lớn của người Pháp
Nếu nói về mặt thay đổi tích cực của miền Nam mà Pháp đã làm, thì đó chính là hệ thông kênh rạch được quy hoạch và nạo vét suốt thời gian dài, mở ra các tuyến giao thương quan trọng, góp phần phát triển tiềm năng nông nghiệp của miền Tây. Mặc dù đây là một trong những kế hoạch khai thác kinh tế của Pháp, nhưng nó cũng góp phần phát triển kinh tế tại Nam Kỳ, và để lại di sản cho ngày nay.
Máy xáng đào Kênh ở Rạch Giá
Kênh đào tại Rạch Giá – Hà Tiên
Hệ thống kênh đào tại Cần Thơ
Việc đào kênh rạch còn giúp mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp, khai hoang nhiều vùng đất và mở ra con đường phát triển nông sản rộng khắp các tỉnh phía Nam.
III. Tạm kết
Với chính sách khai hóa và khai thác, thực dân Pháp đã bóc lột cạn kiệt tài nguyên khoáng sản, con người Việt Nam, đặc biệt là sắt máu ở Nam Kỳ trong gần một thế kỷ cai trị, bù đắp cho chiến phí ở 2 cuộc chiến tranh thế chiến thứ I và thứ II, cũng như chi phí thiết lập cơ sở hạ tầng ở nước ta trong thời gian đầu.
Tuy nhiên, các di sản của Pháp để lại về sau cũng đáng được ghi nhớ. Bao gồm công trình khai hóa kỹ thuật, thiết lập các hạ tầng cơ sở, các công trình thủy vận, và các công trình kiến trúc. Sau hơn nửa thế kỷ khi Pháp đã rút khỏi nước ta, các công trình này vẫn còn hữu dụng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, thương nghiệp ở Nam Kỳ.
Thông tin thật quý giá. Lưu giữ mãi với thời gian.